Nhân dịp xuân Nhâm Thìn 2012, Công đoàn Khoa tổ chức cho Giáo viên cán bộ Du xuân
Thời gian: Ngày Chủ nhật 12 / 2 / 2012
Địa điểm chính: Quần thể Côn Sơn – Kiếp Bạc – Phượng Hoàng
(Nếu còn thời gian có thể tham quan động Kính Chủ, đền Cao, trên đường về có thể ghé Văn miếu Mao Điền)
Tham gia: Các thầy cô trong khoa và gia đình, người thân
Các thầy cô đăng kí tham gia xin vui lòng liên hệ trực tiếp cô Phan Thị Minh.
Thời gian đăng kí: từ 3/2 đến 7/2 để chốt danh sách và thuê xe
Thông tin du ngoạn Côn Sơn – Kiếp Bạc – Phượng Hoàng (Chí Linh – Hải Dương)
Khu vực Côn Sơn là quần thể di tích chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi, đền Thanh Hư, bàn cờ tiên. Chùa Côn Sơn tọa lạc trên xã Cộng Hòa, nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng- Kỳ Lân cách Hà Nội khoảng 70km. Chùa là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm thời Trần được trùng tu mở rộng năm 1304 và được Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp vào hạng quốc gia. Đền thờ Nguyễn Trãi được dựng trong khu vực Thanh Hư động, bên cạnh có đền thờ Trần Nguyên Hãn, và trên núi có đền thờ Trần Nguyên Đán, cùng những di tích về các danh nhân này.
Còn đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo là nơi thờ phụng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cái tên Kiếp Bạc là ghép từ tên của hai vùng Vạn Yên(làng Kiếp) và Dược Sơn(làng Bạc). Vị trí của đền rất đặc biệt là nằm gần Lục Đầu Giang là nơi hội tụ của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của con sông Thái Bình. Đền cách Hà Nội khoảng 80km theo quốc lộ số 1 đến Bắc Ninh rẽ sang đường quốc lộ số 18 và cách chùa Côn Sơn khoảng 5km.
Đền thờ Chu Văn An được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia và được trùng tu đầu năm 2008. Đền chính ngày xưa là điện Lưu Quang, nơi thầy Chu Văn An dạy học, nay được xây dựng bằng gỗ lim trên một vị trí thoáng đãng giữa đất trời với lối kiến trúc chữ đinh, chồng diêm tám mái thể hiện sự tôn vinh tầm vóc một danh nhân, những đầu đao trên mái đền cong vút thanh thoát, nóc đắp nổi lưỡng long chầu nhật. Đường lên khu lăng mộ, cách đền khoảng 600m, được lát đá xanh và nằm dưới bóng mát của tán thông. Tương truyền khi Chu Văn An mất, học trò đã đưa thầy lên táng tại đỉnh núi Phượng Hoàng và dựng nhà bên mộ tế lễ cả năm.