NCS Lê Thái Sơn bảo vệ Luận án Tiến sĩ (5.6.2020)

Vào 16h30 ngày 05/06/2020 tại P501 Nhà A2, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ

NCS Lê Thái Sơn, chuyên ngành Kinh tế học (Toán kinh tế)

Đề tài “Các mô hình toán kinh tế đánh giá suất sinh lời của giáo dục và vai trò phát tín hiệu của giáo dục sau phổ thông Việt Nam“.

  • Người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Thị Minh.
  • Chủ tịch hội đồng: TS. Nguyễn Mạnh Thế
  • Thư ký: TS. Nguyễn Quang Huy
  • Phản biện 1: PGS.TS. Hồ Đình Bảo
  • Phản biện 2: TS. Phùng Duy Quang
  • Phản biện 3: TS. Nguyễn Mạnh Hải

Buổi bảo vệ diễn ra từ 16h30 đến 18h30, kết luận NCS Lê Thái Sơn bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ, cần chỉnh sửa theo các góp ý để hoàn thiện.

 

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận 
(1) Luận án nghiên cứu và xây dựng các mô hình nhằm đánh giá vai trò phát tín hiệu của giáo dục sau phổ thông Việt Nam trên cơ sở lý thuyết phát tín hiệu. Cách tiếp cận này hầu như chưa được thực hiện cho các nghiên cứu về giáo dục ở Việt Nam. Việc nghiên cứu vai trò này của giáo dục giúp đưa ra các kiến nghị cho quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo cũng như người đi học, mà còn giúp cho việc ước lượng suất sinh lời của giáo dục một cách đáng tin cậy hơn.
(2) Luận án phân tích và đánh giá thực nghiệm đồng thời hai vai trò của giáo dục: phát tín hiệu và cung cấp vốn nhân lực bằng việc sử dụng một hệ thống các phương pháp truyền thống và hiện đại. Điều này giúp đảm bảo độ tin cậy của các tính toán định lượng rút ra từ mô hình.
(3) Luận án cũng phân tích sự khác biệt của hai vai trò này của giáo dục trong hai thời kỳ khác biệt nhau: thời kỳ nền kinh tế hoạt động bình thường và thời kỳ thị trường lao động gặp khó khăn, giúp làm sáng rõ hơn vai trò của các nhân tố đối với hiệu quả giáo dục trong mỗi giai đoạn.
Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án 
(1) Các kết quả chỉ ra vai trò phát tín hiệu của giáo dục Việt Nam là khá lớn so với vai trò cung cấp vốn nhân lực của giáo dục, điều này một phần có thể do lịch sử coi trọng bằng cấp tại Việt nam nói riêng và châu Á nói chung, hầu như những người có khả năng thì đều muốn học đại học thay vì học nghề; và một phần do khoảng cách giữa kiến thức nhà trường và yêu cầu thực tế sản xuất. Từ đó Luận án đề xuất như sau:
•Đẩy nhanh việc thực hiện kiểm định độc lập để các trường có thể cạnh tranh bằng năng lực cung cấp vốn nhân lực chứ không dựa quá tên tuổi sẵn có. Giúp các trường mới thành lập có điều kiện cạnh tranh công bằng hơn trên thị trường dịch vụ giáo dục.
•Bên cạnh đó, cần quy định và kiểm tra tính chính xác của thông tin được cung cấp bởi các trường để người học có “tín hiệu” chính xác hơn từ nhà trường.
(2)  Các kết quả ước lượng cho thấy hiệu suất sinh lời của giáo dục sau phổ thông trong giai đoạn nghiên cứu của Luận án đạt ở mức thấp (trung bình là 10% cho 1 năm học sau phổ thông) – thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình chung của thế giới (19.3% hay 10-12% cho khu vực OECD). Do đó nhà nước cũng như các trường học cần có những chính sách thực sự thiết thực để cải thiện chất lượng đào tạo của giáo dục, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt trên thị trường lao động cũng như sự báo động về năng suất lao động thấp của Việt Nam.
Nội dung của luận án xem tại đây.