Vào hồi 16h00 ngày 2.7.2024, NCS Lê Đức Hoàng – chuyên ngành Toán kinh tế đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ.
Nghiên cứu sinh: Lê Đức Hoàng
- Đề tài: Bất bình đẳng trong giáo dục và suất sinh lợi của giáo dục ở Việt Nam
- Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Mạnh Thế – GS.TS Lê Quốc Hội
Hội đồng
- Chủ tịch hội đồng: GS.TS. Nguyễn Quang Dong – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
- Phản biện 1: GS.TS. Giang Thanh Long – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
- Phản biện 2: TS. Đinh Thị Minh Hiền – Học viện Quản lí giáo dục
- Phản biện 3: PGS.TS. Lưu Bích Ngọc – Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Ủy viên thư ký: PGS.TS. Nguyễn Thị Cẩm Vân – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
- Ủy viên hội đồng: PGS.TS. Trần Trọng Nguyên – Học viện Chính sách và phát triển
- Ủy viên hội đồng: TS. Nguyễn Việt Cường – Trường Đại học quốc gia HN
Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận
- Luận án nghiên cứu về bất bình đẳng giáo dục trên đồng thời hai khía cạnh là tiếp cận giáo dục và thành tựu giáo dục; sử dụng các chỉ số đo lường bất bình đẳng giáo dục như tỉ lệ nhập học chung, tỉ lệ nhập học đúng tuổi, bằng cấp cao nhất đạt được, hệ số Gini giáo dục, số năm đi học, độ lệch chuẩn của số năm đi học; đồng thời xem xét các nhân tố quan sát được có thể gây ra bất bình đẳng. Trong luận án, mối quan hệ giữa bất bình đẳng giáo dục với số năm đi học trung bình, bất bình đẳng giáo dục với bất bình đẳng thu nhập được đề cập và đánh giá. Đây là những vấn đề mà các nghiên cứu về bất bình đẳng giáo dục ở Việt Nam trước đây chưa đề cập và phân tích một cách đầy đủ.
- Luận án sử dụng phương pháp bình phương nhỏ nhất thông thường (OLS); bình phương nhỏ nhất hai giai đoạn (2SLS) xử lí tính nội sinh của biến độc lập; thủ tục Heckman 2 bước khắc phục tính chệch của ước lượng do chọn mẫu và khắc phục vấn đề nội sinh của biến độc lập để ước lượng suất sinh lợi của giáo dục. Đây cũng là đóng góp mới của luận án khi nhiều phương pháp và kỹ thuật ước lượng được sử dụng. Các nghiên cứu về suất sinh lợi của giáo dục ở Việt Nam trước đây có sử dụng phương pháp OLS và thủ tục Heckman hoặc sử dụng phương pháp 2SLS để khắc phục biến nội sinh; tuy nhiên việc sử dụng thủ tục Heckman có xử lí vấn đề biến nội sinh để ước lượng suất sinh lợi của giáo dục ở Việt Nam chưa được đề cập trong các nghiên cứu trước đây.
- Từ kết quả ước lượng suất sinh lợi của giáo dục và tính hệ số Gini đo lường bất bình đẳng trong giáo dục, ước lượng mô hình logistic xem xét ảnh hưởng của suất sinh lợi giáo dục của tỉnh/thành phố tới khả năng học tập đúng độ tuổi và khả năng đạt được bằng cấp của các cá nhân ở địa phương đó; ước lượng mô hình với số liệu mảng theo tỉnh/thành phố các năm 2020-2022 đánh giá tác động của suất sinh lợi giáo dục tới bất bình đẳng trong giáo dục. Đây là một hướng tiếp cận để nghiên cứu mối quan hệ giữa hai vấn đề này, khi mà về mặt lí thuyết chúng trực tiếp và gián tiếp có quan hệ với nhau nhưng chưa được nghiên cứu nào ở Việt Nam.