Môn học Lý thuyết Mô hình Toán kinh tế – Sau đại học

HỌC PHẦN LÝ THUYẾT MÔ HÌNH TOÁN KINH TẾ

Bậc Cao học

THÔNG TIN CHUNG

1.  Vị trí của môn học

Mặc dù có cùng mục đích là phân tích và dự báo kinh tế, nhưng so với nhiều môn học kinh tế khác, Mô hình Toán kinh tế không chỉ đề cập đến một lĩnh vực chuyên môn mà phạm vi của môn học khá rộng. Nó có thể xâm nhập vào nhiều lĩnh vực khác nhau của các hoạt động kinh tế trên bình diện vi mô và vĩ mô. Môn học sử dụng nhiều công cụ và phương tiện để phân tích, lý giải về mặt lượng của các vấn đề, các hiện tượng kinh tế trong đó đặc biệt là sử dụng phương pháp mô hình toán học cùng với sự trợ giúp của các công cụ xử lý thông tin hiện đại. Môn học vừa có thể  đóng vai trò như là một môn khoa học về phương pháp phân tích, dự báo kinh tế vừa có thể phát triển như môn chuyên ngành trong kinh tế học. Với tư cách là môn học về phương pháp luận, Mô hình Toán kinh tế cung cấp một công cụ tiếp cận hiện đại và có hiệu quả các đối tượng của các bộ môn khoa học kinh tế khác. Với vai trò là môn học độc lập, nó có thể xây dụng, phát triển các học thuyết trong kinh tế và quản trị kinh doanh.

2.  Kiến thức sẽ trang bị cho học viên

Sau khi học Mô hình Toán kinh tế, người học sẽ được trang bị một phương pháp tư duy hiện đại trong nghiên cứu, phân tích kinh tế và trong hoạt động quản lý kinh doanh đó là phương pháp mô hình có sử dụng công cụ toán học, phân tích hệ thống và kỹ thuật xử lý thông tin.

3. Mục tiêu môn học

  • Ứng dụng các mô hình toán kinh tế và phương pháp phân tích đã nghiên cứu để phân tích, dự báo các tình huống mô hình đề cập.
  • Ứng dụng các kiến thức đã học để xây dựng, sử dụng các mô hình toán kinh tế nhằm xác lập, mô tả, phân tích mối liên hệ định tính và định lượng giữa các biến số kinh tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước để phục vụ yêu cầu của thực tiễn.

 

4. Trang thiết bị

Phấn, bảng hoặc hệ thống máy chiếu, sử dụng máy chiếu

 

5. Kế hoạch học tập

  • Giáo viên trình bày những nội dung mới, nâng cao cho học viên, giới thiệu tài liệu đọc trong giờ lên lớp.
  • Học viên đọc tài liệu, chuẩn bị các nội dung trong phần bài tập.
  • Trong buổi thảo luận, chữa bài tập học viên sẽ trình bày, trao đổi với nhau các nội dung đã chuẩn bị trước dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
  • Giáo viên có thể có kế hoạch giải đáp thắc mắc, bổ túc thêm kiến thức.

6. Điều kiện tiên quyết

–         Học viên đã học xong các môn: Triết học và Phương pháp nghiên cứu, Kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, kinh tế chính trị.

 

NỘI DUNG MÔN HỌC

I. Nội dung khái quát
Chương 1: Nội dung của chương đề cập tới những vấn đề chung, khái quát liên quan tới việc xây dựng và sử dụng mô hình toán trong nghiên cứu, phân tích kinh tế. Đây là chương mở đầu không những cung cấp những khái niệm, công cụ cơ bản để sử dụng trong các chương sau mà còn giúp người học có thể vận dụng để xây dựng và phát triển các mô hình riêng, đặc thù.

Chương 2 : Nội dung của chương đề cập tới những khái niệm, phương pháp cơ bản trong mô hình hoá hành vi tối ưu của các tác nhân kinh tế đồng thời mô tả, phân tích hành vi của hai nhóm tác nhân kinh tế cơ sở: các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Chương 3 : Nội dung của chương đề cập tới phương pháp phân tích cân bằng nói chung và cân bằng thị trường nói riêng đồng thời sử dụng phân tích so sánh tĩnh để phân tích ảnh hưởng của các biến chính sách.
II. Nội dung chi tiết
Chương 1.  GIỚI THIỆU TỔNG QUAN

1.1. Vai trò của phương pháp mô hình trong phân tích kinh tế

  • Các phương pháp nghiên cứu, phân tích đối tượng KT – XH
  • Mô tả các phương pháp tiếp cận trực tiếp đố tượng: phương pháp quan sát, phương pháp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát
  • Đặc điểm và hạn chế của các phương pháp trên
  • Phương pháp tiếp cận gián tiếp đối tượng thông qua mô hình của đối tượng- Phương pháp mô hình
  • Ưu điểm của phương pháp mô hình

1.2. Nội dung của phương pháp mô hình

  • Khái niệm về mô hình và mô hình toán kinh tế
  • Cấu trúc của mô hình toán kinh tế

– Các biến số của mô hình:  Phân loại và đo lường các biến
– Các hệ thức liên hệ giữa các biến: Phương trình của mô hình, phân loại phương trình

  • Phân tích mô hình toán kinh tế

– Giải mô hình
– Phân tích so sánh tĩnh
– Phân tích tác động tuyệt đối, tương đối – Một số công cụ toán học: vi phân, đạo hàm, hàm ẩn và đạo hàm
– Phân tích tăng trưởng
– Một số công cụ toán học: vi phân và tích phân
– Phân tích thay thế, bổ sung, chuyển đổi

1.3. Quy trình xây dựng và sử dụng mô hình trong phân tích và dự báo kinh tế

  • Xác định vấn đề
  • Mô hình hóa đối tượng
  • Xác định biến số và phương trình liên hệ
  • Phân tích mô hình
  • Giải thích kết quả và mô phỏng, hiệu chỉnh mô hình
  • Sử dụng mô hình để dự báo và ra quyết định

Chương 2. MÔ HÌNH TỐI ƯU TRONG KINH TẾ

2.1. Giới thiệu chung về mô hình tối ưu trong kinh tế

  • Sự lựa chọn của tác nhân kinh tế
  • Mô hình hóa sự lựa chọn
  • Bài toán tối ưu và phương pháp phân tích

– Mô hình bài toán tối ưu
– Phương pháp phân tích – Phương pháp Lagrange, định lý hình bao
– Tối ưu đa mục tiêu và tối ưu Pareto

2.2. Một số mô hình tối ưu trong kinh tế

  • Mô hình phân tích hành vi doanh nghiệp

– Công nghệ sản xuất và hàm sản xuất
– Tối ưu kỹ thuật
– Mô hình xác định hàm chi phí và các hàm dẫn xuất
– Tối đa hóa lợi nhuận và mô hình xác định mức cung của doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo, doanh nghiệp độc quyền (so sánh với DN cạnh tranh, chỉ số Lerner, chiến lược phân biệt giá)

  • Mô hình phân tích hành vi của hộ gia đình

– Hàm lợi ích và các hàm dẫn xuất
– Mô hình tối đa hóa lợi ích, hàm lợi ích gián tiếp, hàm cầu Marshall
– Mô hình tối thiểu hóa chi tiêu, hàm chi tiêu, hàm cầu Hicks

Chương 3. MÔ HÌNH CÂN BẰNG THỊ TRƯỜNG

3.1 .Giới thiệu chung về mô hình cân bằng thị trường

  • Nguyên tắc thiết lập mô hình
  • Phân loại và ứng dụng mô hình

3.2.. Mô hình cân bằng riêngvà ứng dụng

  • Mô hình cân bằng thị trường cạnh tranh hoàn hảo

– Hàm cung và hàm cầu của thị trường
– Mô hình cân bằng
– Phân tích so sánh tĩnh: phân tích tác động các biến ngoại sinh: thu nhập, thuế…

  • Cân bằng thị trường độc quyền
  • Cân bằng thị trường và phúc lợi xã hội

– Phúc lợi xã hội: thặng dư sản xuất, tiêu dùng
– Cân bằng và phúc lợi

  • Một số chính sách điều tiết thị trường

– Tác động của thuế
– Điều tiết thị trường độc quyền: điều tiết giá, lợi nhuận

3.3. Mô hình cân bằng kinh tế vĩ mô

  • Ý nghĩa của mô hình trong phân tích chính sách
  • Mô hình cân bằng thị trường hàng hóa-dịch vụ – Mô hình I S
  • Mô hình cân bằng thị trường tiền tệ – Mô hình LM
  • Mô hình IS – LM, phân tích sách tài khóa và tiền tệ

Tài liệu tham khảo

 

Tiếng Việt

1. Hoàng Đình Tuấn, Lý thuyết mô hình toán kinh tế, NXB ĐH KTQD, 2007

2. Lý thuyết mô hình toán kinh tế, NXB KHKT, 2003.

3. Giáo trình Toán cao cấp, ĐH KTQD.

4. Giáo trình Mô hình Toán kinh tế, ĐH KTQD.

5. Nguyễn Khắc Minh, Mô hình Toán kinh tế, ĐH KTQD.

6. Giáo trình Kinh tế vi mô, ĐH KTQD.

7. Giáo trình Kinh tế vĩ mô, ĐH KTQD.

8. Frederic S. Mishikin, Tiền tệ, ngân hàng và thị trường tài chính, NXB KHKT, 1995.

9. .Joseph E. Stiglitz, Kinh tế học công cộng, NXB KHKT, 1995.

10. Lancaster K., Toán học trong kinh tế, NXB KHKT, 1984.

11. David Begg, Stanley Fisher, Rudiger Dornbusch, Kinh tế học T1, T2, NXB Đại học và GDCN, 1992.

12. Nguyễn Văn Quỳ, Mô hình kinh tế, NXB GD, 1999.

 

Tiếng Anh

13. Allen R.D, Mathematical Economics, Martin’s  Press INC, 1959.

14. Chiang A.C, Fundamental Methods of Mathematical Economics, McGraw-Hill, 1985.

15. Chris Birchenhall – Paul Grout, Mathematics for Modern Economics, Philip Allan, 1984.