DSEB – Giới thiệu về ngành học

Khoa học dữ liệu (KHDL) là một thuật ngữ khá mới đối với Việt Nam. Đây làm một lĩnh vực trọng tâm của Khoa học công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0. Nghiên cứu và vận dụng Khoa học dữ liệu đang là xu hướng không thể thay đổi của các doanh nghiệp, để hướng tới đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nhờ sử dụng những thông tin được phân tích do KHDL mang lại. Theo GS.TSKH Hồ Tú Bảo – Viện Nghiên cứu Cao cấp về Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JAIST), một chuyên gia về khoa học dữ liệu: “Khoa học dữ liệu là khoa học dựa trên sự kết hợp của Toán -Thống kê và công nghệ thông tin“.

Khi Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, mọi quốc gia đều phải dựa nhiều hơn vào khoa học công nghệ, vào dữ liệu. GS. Hồ Tú Bảo cũng cho biết: “Cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0 là sản xuất thông minh dựa trên các đột phá của công nghệ số”. Có thể hiểu công nghệ số gồm hai nội dung chính: số hóa và sử dụng dữ liệu số hóa. 

 

Đào tạo Khoa học dữ liệu tại Việt Nam

Theo ghi nhận chính thức và tìm hiểu về ngành đào tạo Khoa học dữ liệu trên cả nước, hiện nay tại Việt Nam chỉ có ba địa chỉ có đào tạo KHDL là:

– ĐH Công nghệ thông tin, Đại học Quy Nhơn (bậc cử nhân),

– ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội (bậc cao học)

– Viện John Von Neumann – ĐH Quốc gia TP.HCM (đào tạo Khoa học máy tính định hướng Khoa học phân tích dữ liệu – bậc cao học).

So với nhu cầu về nhân lực trong ngành Khoa học dữ liệu thì số lượng người được đào tạo chính quy về chuyên ngành này trên cả nước là không đáp ứng đủ nhu cầu. Theo nhận định của một số chuyên gia làm việc trong lĩnh vực này thì trong vòng 5 năm tới, nhu cầu về nhân lực của ngành sẽ còn tăng lên rất nhiều lần và sự khan hiếm ngày càng trầm trọng. Hầu hết nhân sự làm việc trong lĩnh vực KHDL hiện nay tại Việt Nam đều được đào tạo hoặc tự đào tạo từ chuyên ngành về công nghệ thông tin mà thiếu hụt mảng kiến thức về kinh tế, kinh doanh để có thể vận dụng linh hoạt trong các công việc tại doanh nghiệp. Đây thực sự là cơ hội đồng thời là thách thức cho các cơ sở đào tạo trong nước trong việc đáp ứng nguồn nhân lực này.

Khoa học Dữ liệu nói chung có ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực: Sinh học, Y tế, Xã hội học, Kinh tế, Sản xuất, Kinh doanh…

Khoa học dữ liệu trong Kinh tế & Kinh doanh tập trung vào KHDL với định hướng ứng dụng trong Kinh tế và Kinh doanh

Khoa Toán kinh tế đã tổ chức 3 buổi tọa đàm về lĩnh vực này:

Ngày Nội dung Chủ tọa – Diễn giả
10/1/2019 Tọa đàm khoa học:

Khoa học dữ liệu và Ứng dụng: Tổng quan về khoa học dữ liệu

Chủ tọa: PGS.TS. Nguyễn Thị Minh – Trưởng khoa Toán kinh tế

Diễn giả: GS.TS. Huỳnh Hữu Tuệ – ĐH Laval, Canada

17/1/2019 Tọa đàm khoa học:

Nhu cầu Nhân lực ngành Khoa học Dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh

Chủ tọa: PGS.TS. Phạm Hồng Chương – Phó hiệu trưởng

Diễn giả: Các nhà khoa học, khách mời doanh nghiệp, công giới

21/1/12019 Tọa đàm khoa học:

Khoa học dữ liệu trong Kinh tế, Quản trị Kinh doanh và Quản lý

Chủ tọa: PGS.TS. Phạm Hồng Chương – Phó hiệu trưởng

Diễn giả: GS.TSKH. Hồ Tú Bảo – Viện trưởng viện John Von Neumann, ĐH Quốc gia TP.HCM

 

Qua ba buổi tọa đàm, các ý kiến từ phía các nhà khoa học, doanh nghiệp, công giới đều thống nhất một số điểm chính:

  • Khoa học dữ liệu là lĩnh vực quan trọng và cốt lõi trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tác động đến mọi mặt của đời sống, đặc biệt là trong kinh tế và kinh doanh;
  • Nhu cầu nhân lực về Khoa học dữ liệu hiện nay thuộc nhóm đứng đầu trên thế giới và Việt Nam, nhu cầu rất lớn và liên tục tăng trưởng trong tương lai, nhưng nguồn cung rất hạn chế, chưa đáp ứng được thị trường;
  • Sinh viên được đào tạo về Khoa học dữ liệu ở các trường kỹ thuật khi gặp tình huống thực tế còn chưa thích ứng được vì thiếu nền tảng kinh tế và kinh doanh;
  • Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh yêu cầu sự kết hợp của (1) Toán-thống kê, (2) Tin học, (3) kiến thức kinh tế và kinh doanh; do đó trường ĐH Kinh tế Quốc dân cần phải đi đầu trong lĩnh vực đào tạo này;
  • Khoa Toán kinh tế chủ trì việc đào tạo, có sự kết hợp với các đơn vị khác là phù hợp nhất, định hướng đào tạo bằng tiếng Anh cũng rất thực tế, cập nhật;
  • Chương trình đào tạo cần xây dựng có tính kết hợp giữa kiến thức kỹ thuật khoa học dữ liệu và kiến thức kinh tế kinh doanh phong phú để sinh viên tốt nghiệp linh hoạt, chủ động trong làm việc sau này;
  • Các doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với Khoa Toán kinh tế trong việc đào tạo, nhận sinh viên thực tập, tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.

 

Khoa học dữ liệu trong Kinh tế & Kinh doanh là lĩnh vực KHDL được ứng dụng trong Kinh tế, Kinh doanh, đang có nhiều cơ hội phát triển.