Vào hồi 16h00 ngày 6 tháng 10 năm 2020, tại phòng A2-501 đã diễn ra lễ Bảo vệ Luận án Tiến sỹ.
Nghiên cứu sinh: Hoàng Thanh Nghị.
Tên đề tài: “Các mô hình phân tích một số chỉ tiêu giáo dục Việt Nam”
Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Mạnh Thế
Hội đồng bảo vệ:
- Chủ tịch: GS.TS. Trần Thọ Đạt
- Thư ký: TS. Hoàng Đức Mạnh
- Phản biện 1: PGS. TS. Trần Trọng Nguyên
- Phản biện 2: TS. Lưu Bích Ngọc
- Phản biện 3: PGS. TS. Bùi Quang Tuấn
- Ủy viên: PGS. TS. Nguyễn Thị Minh
- Ủy viên: TS. Vương Thị Thảo Bình
Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận:
Luận án nghiên cứu chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình và ảnh hưởng của chi tiêu giáo dục đến tỉ lệ đi học theo từng bậc học. Đây là điểm khác của luận án so với các nghiên cứu trước đây.
Luận án vận dụng các mô hình nghiên cứu định lượng ít được sử dụng trong các nghiên cứu trước đây như: mô hình số liệu mảng; mô hình số liệu mảng đa bậc, mô hình tobit và mô hình tobit với số liệu mảng. Các phương pháp này thích hợp giải quyết vấn đề nội sinh trong mô hình nghiên cứu.
Những kết luận, đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu
Thứ nhất, số thành viên đang học trong hộ ảnh hưởng lớn đến chi tiêu giáo dục của hộ gia đình, và mức chi thêm cho một thành viên đi học ở trường dân lập, tư thục cao hơn nhiều so với mức chi thêm cho một thành viên đang đi học tại trường công lập ở tất cả các bậc học.
Thứ hai, có sự khác biệt trong chi tiêu giáo dục giữa nông thôn với thành thị. Các hộ gia đình ở thành thị dành tỉ lệ chi giáo dục cao hơn so với các hộ gia đình sinh sống ở nông thôn ở tất cả các cấp học.
Thứ ba, hộ gia đình có thành viên đang đi học nhận được trợ cấp cho giáo dục có xu hướng chi tiêu cho giáo dục ít hơn so với các hộ gia đình không nhận được trợ cấp giáo dục.
Thứ tư, học vấn chủ hộ có tác động lớn đến chi tiêu cho giáo dục của hộ. Chủ hộ có bằng cấp càng cao càng quan tâm đầu tư hơn cho giáo dục.
Thứ năm, chi tiêu cho giáo dục tác động tích cực đến tỉ lệ học sinh đi học các cấp.
Từ các kết quả nghiên cứu, luận án đề xuất: (i) nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục đối với người dân; (ii) xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tài chính cho địa phương phát triển giáo dục giúp tăng tiếp cận dịch vụ giáo dục; (iii) tăng cường nâng cao trình độ giáo dục cho người dân, thông qua: thúc đẩy các chính sách hỗ trợ học tập, học bổng khuyến khích học tập; (iv) tăng cường đầu tư, xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học, điều kiện học tập để tăng tỉ lệ học sinh đi học các cấp.
Một số hình ảnh