Actuary – Hiệp hội & Đào tạo trên thế giới

ACTUARY : Định phí bảo hiểm và Quản trị rủi ro – giảng dạy bằng tiếng Anh

 

Lĩnh vực Actuary đã được hình thành và phát triển rất sớm tại châu Âu, bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 18. Theo Ogborn (1956), năm 1762, tại London “Hiệp hội Đảm bảo Công bằng cuộc sống và Sự sống” (Society for Equitable Assurances on Lives and Survivorships) đã được thành lập. Đây này được coi là tổ chức đầu tiên và tiên phong trong lĩnh vực Actuary.

 

Đến năm 1848 cũng tại London đã thành lập Viện nghiên cứu Actuary (Institute of Actuaries), và năm 1856 tại Đại học Edinburgh đã thành lập Khoa Actuary (Faculty of Actuaries). Ngay từ năm 1853, tại Anh quốc đã bắt đầu sử dụng bài thi trong lĩnh vực này để đánh giá và tuyển dụng viên chức vào lĩnh vực có liên quan đến tài chính, bảo hiểm.

 

Năm 1895, tại Pháp đã thành lập Ủy ban Thường trực Hội Actuary (Comité Permanent des Congrès d’Actuaires) để thực hiện việc chuẩn hóa lĩnh vực này. Lúc đầu đây là hội của các đơn vị riêng lẻ, có tính chất cá nhân. Đến năm 1968, Ủy ban được đổi tên là Hiệp hội Actuary Quốc tế (International Actuarial Association – IAA). Ngày nay hiệp hội này có hơn 70 thành viên đến từ nhiều nước trên thế giới.

 

Tại châu Mỹ, năm 1889, Hiệp hội Actuary Hoa Kỳ (American Society of Actuaries) được thành lập, với các thành viên của Hoa Kỳ và Canada; và năm 1909 thành lập Viện nghiên cứu Actuary (American Institute of Actuaries). Đến năm 1949 hai tổ chức này hợp nhất thành Hiệp hội Actuary (Society of Actuaries). Năm 1965 có sự xuất hiện của Học viện Actuary Hoa Kỳ (American Academy of Actuaries – AAA) và Viện nghiên cứu Actuary Canada (Canadian Institute of Actuary – CIA). Từ đó các tổ chức về Actuary được thành lập và hoạt động ngày càng mạnh mẽ, có sự liên kết và chia sẻ với các quốc gia khác trên thế giới.  

 

Tại châu Á, năm 1899 đã có sự xuất hiện của Viện nghiên cứu Actuary Nhật Bản (Institute of Actuaries of Japan). Đến năm 1953 có sự xuất hiện của Hội Actuay Philipin (Actuary Society of Philippines) và năm 1963 thành lập Hiệp hội Actuary Hàn Quốc-Hoa Kỳ (Korean American Actuarial Society).

 

Từ sau thập niên 1990, lĩnh vực Actuary được chú trọng, với hàng loạt các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo được thành lập trên thế giới. Cùng với sự phát triển của hệ thống ở từng quốc gia và sự toàn cầu hóa, Actuary trở thành một ngành khoa học chuyên sâu và có tính ứng dụng cao trên toàn thế giới.

 

Hiện tại, lao động trong lĩnh vực Actuary được đánh giá rất cao. Theo đánh giá của Tổ chức Xếp hạng Hoa Kỳ “Best US News Ranking” năm 2017, Actuary đứng vị trí thứ 4 tại Hoa Kỳ. Theo trang mạng Business Insider thì năm 2016 ngành Actuary đứng thứ 10 ở Anh.

 

ĐÀO TẠO ACTUARY TRÊN THẾ GIỚI

 

Trên thế giới, đào tạo Actuary được thực hiện theo hai thiên hướng: định hướng nghề nghiệp và đào tạo học thuật. Với thiên hướng đào tạo định hướng nghề nghiệp lại có hai trường phái là đào tạo liên tục cấp chứng chỉ và đào tạo bậc học cấp bằng cử nhân, thạc sỹ.

 

Theo trường phái đào tạo liên tục, người học sẽ trải qua các kỳ thi được tổ chức bởi các Hiệp hội Actuary, và trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội nếu qua một số trình độ (level) nhất định. Các Hiệp hội khác nhau có những quy định về môn thi và trình độ khác nhau. Những người học Actuary được đào tạo theo trường phái này đa số là vừa đi làm vừa đi học để thi lấy chứng chỉ của Hiệp hội.

 

Theo trường phái đào tạo cấp bằng cử nhân, thạc sỹ, người học sẽ trải qua kỳ thi tuyển do các trường đại học tổ chức. Các Hiệp hội Actuary có thể công nhận kết quả các môn học ở trường đào tạo và chấp nhận người học trở thành thành viên. Hình thức đào tạo này thường có ở các nước Châu Âu như Pháp, Bỉ, Hà Lan.

 

Một số trường đại học đào tạo còn cấp bằng Khoa học Actuary (Actuarial Science), với cả ba bậc cử nhân, thạc sỹ, và tiến sỹ, chẳng hạn như đại học Kent của Anh quốc, đại học Montréal, đại học Laval của Canada, Trường Kinh doanh Wisconsin, đại học bang Ohio của Hoa Kỳ, đại học Melbourne của Australia. Những người đã được cấp bằng thạc sỹ định hướng nghề nghiệp muốn học tiếp trình độ tiến sỹ phải bổ sung các học phần có tính chất lý thuyết. Ngoài việc có bằng cấp từ các trường đại học, người học Actuary có thể là hội viên của các Hiệp hội Actuary, khi đó sẽ có một số thuận lợi, nhất là khi tạo lập một sản phẩm bảo hiểm mới.

 

Mạng lưới các trường đại học có đào tạo Actuary mở rộng nhanh chóng, nhất là trong thời kỳ 2000-2010. Thời kỳ này gắn với biến động lớn về kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Những rủi ro, bất trắc không dự tính được đã tạo ra nhu cầu lớn về nhân lực ngành này.



Theo thống kế của Hiệp hội Actuary (SOA), năm 2017, ở 15 nước có 198 trường đại học đào tạo Actuary.

 

MỘT SỐ TRƯỜNG ĐÀO TẠO ACTUARY TRONG KHU VỰC

 

Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Australia (ANU)

Chương trình Actuarial Studies cấp bằng cử nhân, học 3 năm với 144 tín chỉ. Các học phần cốt lõi bao gồm: các học phần về Kinh tế – Kinh doanh – Đầu tư, Thống kê, Tài chính – Bảo hiểm. Các học phần này được xây dựng trên nền tảng các mô hình toán. Sinh viên cũng có thể học thêm 1 năm học để học các môn nâng cao.

Link tham khảo: TẠI ĐÂY.

 

Trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) 

Chương trình Actuary Science cấp bằng cử nhân, học 3 năm, trong đó có 7 môn cốt lõi cũng khá tương tự như tại trường ANU .

Link tham khảo: TẠI ĐÂY

 

Trường Đại học Asia Pacific (Malaysia) 

Chương trình Actuarial studies cấp bằng cử nhân học 3 năm, được chia thành 3 hợp phần. Hợp phần thứ nhất cung cấp các kiến thức nền tảng về toán, kinh tế và tài chính. Hợp phần thứ hai cung cấp các ứng dụng của Thống kê và Toán vào các lĩnh vực Tài chính và Bảo hiểm. Hợp phần 3 cung cấp các kiến thức chuyên sâu về định giá và quản trị trong Tài chính và bảo hiểm.

Link tham khảo: TẠI ĐÂY.

Các chương trình về Actuary đều có một phần quan trọng là thực tập tại doanh nghiệp hoặc thực hiện các dự án nhỏ về Actuary.

 

 

 

    

    ​

 ​   

             ​ 

 

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.