Giáo sư Nguyễn Đình Cử – nhà khoa học tận tụy

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cử, sinh năm 1952, là cựu sinh viên khoa Toán kinh tế, Trường đại học Kinh tế quốc dân khóa 11 (niên khóa 1969-1974).

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1974, Ông đã chọn con đường trở thành làm giảng viên, và làm việc tại Bộ môn Toán kinh tế, khoa Toán kinh tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Được cử đi học Nghiên cứu sinh tại Liên Xô, năm 1987 ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ (nay là Tiến sỹ) về lĩnh vực Kinh tế dân số và Dân số học tại Trường đại học Tổng hợp quốc gia Moscow. Khi về nước, Ông làm Phó trưởng Bộ môn Toán kinh tế giai đoạn 1988 – 1991.

Năm 1995, khi trường Kinh tế Quốc dân thành lập Trung tâm Dân số. TS. Nguyễn Đình Cử rời khỏi khoa Toán kinh tế, sang là Phó Giám đốc rồi Giám đốc Trung tâm Dân số. Năm 2005 Trung tâm Dân số phát triển thành Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng cho đến năm 2012. Năm 2009, ông được phong chức danh Giáo sư.

GS. Nguyễn Đình Cử đã làm Chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm 25 đề tài khoa học; công bố 43 bài báo khoa học trong các Tạp chí, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế; tác giả, đồng tác giả, chủ biên 36 cuốn sách khoa học, trong đó có 2 cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Anh. Ông đã hướng dẫn nhiều sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh hoàn thành Luận văn, bảo vệ thành công Luận án tiến sỹ. 

Với sự giúp đỡ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, GS. Nguyễn Đình Cử có nhiều đóng góp trong việc hình thành mạng lưới giảng dạy và nghiên cứu về dân số và phát triển với nòng cốt là Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng, Trường đại học Kinh tế Tp Hồ Chí Minh. Đồng thời Ông cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật về dân số ở nước ta.

GS. Nguyễn Đình Cử đã từng tâm sự rằng trong suốt nhiều năm, gần như ông không có ngày nghỉ cuối tuần. Tâm sức của ông dành trọn vẹn cho nghiên cứu khoa học, phục vụ đất nước. GS cũng chia sẻ ​rằng ông có may mắn được đào tạo và giảng dạy tại khoa Toán kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – Nơi đã cung cấp cho Ông những công cụ nghiên cứu tuyệt vời và những thành tựu nghiên cứu của mình. Những nền tảng kiến thức khoa Toán Kinh tế đem lại đã góp một phần rất lớn cho thành quả của ông.