Hồi ký sinh viên khoa Toán (nhiều tác giả)

TẢN MẠN VỀ KHOA TOÁN KINH TẾ ĐH KTQD THỜI ẤY
(Tuỳ bút – Trần Hồng Kỳ TKT 19)

Hàng năm, cứ đến ngày 22.10, ngày truyền thống Khoa Toán Kinh tế, bao kỷ niệm lại ùa về trong tôi. Năm nay kỷ niệm 48 năm Khoa Toán Kinh tế lại đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, những cựu sinh viên chúng tôi lại càng háo hức đón chờ…
 

Mở trang web Khoa Toán Kinh tế, đọc lại lịch sử xây dựng và trưởng thành của Khoa, tên tuổi và hình ảnh các thế hệ thầy cô giáo, hình ảnh các lớp ngày tốt nghiệp ra trường… tôi vô cùng xúc động. Bởi trong đó có một phần cuộc đời của chính mình.

"Bốn năm rưỡi bên nhau cho đời rộng mở,
Hành trang mang theo có nghĩa bạn, ơn thầy.
Ấm mãi trong ta tình người một thuở,
Những nụ cười, những gương mặt thân thương…"   
(Nhớ bạn bè tôi – Hồng Kỳ)

 

Trong dòng chảy của ký ức đưa tôi về những năm tháng không thể nào quên ấy. Hãy đọc tâm sự của các cựu sinh viên thuở đó:

"Yêu toán nên mình vào khoa Toán.
Kiến thức nâng cao tiệm cận toàn cầu.
Điều khiển học, rồi lập trình máy tinh,
Tối ưu nền kinh tế mai sau …"     
(Nhớ bạn bè tôi – Hồng Kỳ TKT 19)

"Bao nhiêu kỷ niệm không quên
Từ trong ký ức hiện lên một thời
Được vào Khoa Toán rạng ngời
Thoả lòng mong ước của đời học sinh.
Nguyện đem trí tuệ hết mình
Vượt lên gian khổ đinh ninh lời thề …"   
(Một thời để nhớ – Nguyễn Thị Minh Ngọc MT 20)

 

"Khoa Toán ban đầu là ngưỡng mộ đam mê
Của học sinh từ mọi miền đất nước.
Của những anh lính bộ đội Trường sơn trở về
Đam mê học toán dù "mắt lồi tóc bạc"…  
(Nhớ lại thuở ấy – Phạm Thị Mai Phương TKT 19)

 

Chắc mọi người còn nhớ, thời đó, sinh viên Khoa Toán Kinh tế được bạn bè cùng thời ở các Khoa khác trong trường rất nể trọng. Bởi Khoa mình có mấy cái nhất trong toàn Trường như sau :

– Thời gian học lâu nhất (4,5 năm, các Khoa khác chỉ 4 năm )
– Kiến thức được trang bị rộng nhất, sâu nhất.
– Được học cả 2 ngoại ngữ Nga, Anh. Các Khoa khác chỉ học tiếng Nga.
– Điểm đầu vào cao nhất nhì trong trường. Riêng điểm toán lấy cao nhất.
– Học sinh phổ thông đỗ vào Khoa Toán hầu hết học các Trường chuyên toán các tỉnh, chí ít cũng là học sinh giỏi tốp đầu ở các trường cấp III.
– Hàng năm có nhiều học sinh giỏi nhất toàn Trường.
– Đội ngũ giáo viên có học vấn cao trong Trường.

 

Mình còn nhớ, ngày 15/10/1977, Khoá 19 tựu trường. Đến ngày 20/10/1977, Trường tổ chức cho sinh viên Khoá 19 toàn trường học chính trị 3 ngày, trong đó có chuyên đề "Con đường dẫn đến tài năng". Được thầy Niên, Bí thư Đảng uỷ Trường lên lớp, có giới thiệu tấm gương thầy Nguyễn Tấn Lập, Trưởng Khoa Toán Kinh tế, tiến sĩ duy nhất của Trường thời đó được Nhà nước cử vào xây dựng , thành lập và làm Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh.(Hồi đó học vị có tiến sĩ, phó tiến sĩ, chưa có học hàm giáo sư, phó giáo sư). Được nghe anh Nguyễn Quang Dong, sinh viên TKT 15 báo cáo điển hình về gương tự rèn luyện để trưởng thành. Sau này anh Dong là Giáo sư, Tiến sĩ, NGƯT, Chủ nhiệm Khoa Toán Kinh tế trường ĐH KTQD…Cả hội trường A im phăng phắc như nuốt lấy từng lời. Ngồi trong hội trường, hồi đó chúng mình rất đỗi tự hào về Khoa…
 

Trong 4 năm rưỡi học ở Trường, lớp TKT 19 mình vinh dự được các thầy Trần Túc, Hoàng Khoan, Vũ Thiếu, Đỗ Hoàng Toàn, Nguyễn Đức Vỵ, Đinh Tiến Khu, Hoàng Đình Tuấn, Nguyễn Thế Hệ và nhiều thầy cô giáo khác… những tên tuổi lớn của ngành Toán Kinh tế Việt Nam trực tiếp giáng dạy. Trong đó thầy giáo chủ nhiệm GS. Trần Túc là người rất mực uyên bác, nghiêm khắc nhưng cũng rất bao dung … Các thế hệ Trưởng Khoa sau này như GS. Nguyễn Quang Dong, PGS. Ngô Văn Thứ, PGS. Nguyễn Thị Minh cùng các thế hệ thầy cô giáo đã tiếp bước các thầy tiền nhiệm, xây dựng Khoa từng bước trưởng thành theo sự phát triển chung của đất nước.

Sau khi ra trường, do nền kinh tế nước nhà còn chậm phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn, lạc hậu, tính bất định và độ rủi ro trong nền kinh tế còn cao nên việc triển khai ứng dụng Toán kinh tế vào thực tiễn còn hạn chế. Tuy nhiên, nhờ được đào tạo bài bản, được trang bị tư duy lôgic, khoa học nên hầu hết cựu sinh viên đều phát huy được năng lực, sở trường trong thực tiễn công tác, áp dụng kiến thức đã học ở từng cấp độ khác nhau. Nhiều người đã trưởng thành, có nhiều đóng góp cho Trường, cho quê hương, đất nước.

"Vượt chặng đường xa, bởi cội nguồn
Nhớ thời áo trắng, giữ lòng son.
Lớn lên giữa đất trời cao rộng.
Nặng nghĩa trường xưa với nước non…" 
(Lớn lên từ mái trường xưa- HK)

 

Nhân 48 năm ngày Hội Khoa, xin có đôi dòng tản mạn về Khoa Toán Kinh tế – một thời vang bóng. Cũng là dịp thế hệ cựu sinh viên chúng mình tri ân Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Khoa Toán Kinh tế thân yêu, tri ân các thầy cô giáo cũ. Âu cũng là lời khích lệ , gửi gắm kỳ vọng vào thế hệ sinh viên Toán Kinh tế hôm nay và mai sau . Xin trân trọng cám ơn các thầy cô giáo và các bạn !

 


 

 

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Phạm Thị Phương – TKT 19

(Ghi lại theo lời kể của các bạn nữ ngoại trú)

Kỷ niệm 48 năm thành lập Khoa Toán Kinh tế

 

Năm thứ ba, lớp tôi có hơn 2 tháng nghỉ học lên Trang trại Thanh Sơn của trường sản xuất, khi lên chỉ có một căn lán chỉ đủ ở 10 người, một cái chòi bếp tường đất lợp rơm rộng chừng 4 m2, Lớp tôi Ban cán sự lớp là 9 anh bộ đội Trường Sơn hơn chúng tôi chục tuổi có nhiều kinh nghiệm ở chiến trường nên tổ chức lớp rất giỏi, hơn 50 người chúng tôi chia thành từng nhóm lên rừng đốn gỗ, chặt nứa, cắt cỏ lau, … đan tranh, đan nứa, dựng cột, đắp tường…(không có dụng cụ máy móc như bây giờ) chỉ sau 3, 4 ngày đã có thêm căn nhà lá tường vách đất rất đẹp. Kỳ nghỉ là 2 tháng cày ruộng, trồng khoai sắn, chăn bò,…khá vất vả.

 

Ngày cuối cùng, trước khi về, Lớp tổ chức liên hoan, các anh cho nhóm bọn trẻ chúng tôi được nghỉ ngơi tự do đi chơi, các anh lo bếp lúc làm tiệc.

 

Nhóm ngoại trú Hà Nội ham đi chơi xa nhất, hơn 10 cô cậu kéo nhau đi bộ 5 cấy số ra Hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc) ngắm hồ. Hôm đó trời nắng đẹp, hồ rộng xanh ngát, cảnh đẹp hữu tình, đi xa cũng đã mệt, các bạn nam dặn nữ ngồi lại, nam ra chỗ khác tắm hồ.

 

Trong nhóm nữ cũng có bạn biết bơi nên không muốn mình phải ngồi trên bờ nên cũng rủ cả nhóm đi ngược hướng khác. Thanh bơi giỏi nên gặp nước bơi ngay ra xa, Kim cũng biết bơi tạm tạm xuống hồ vùng vẫy. Thấy Kim bơi nổi lên các bạn khác thích quá mon men xuống hồ nhúng nước. Bờ hồ dốc, đất sét trơn cỏ mọc dày, lòng hồ bùn đất nhiều. 

 

Khanh mạnh dạn hơn định xuống hồ tắm cùng, đang lội sát bờ Hoa theo sau trượt chân ngã ôm ngang bụng Khanh, Khanh giật mình lộn qua đầu Hoa ngã ra xa, Nguyệt đang đứng bị Hoa gạt ngã văng xuống kéo theo Hoa. Ba bạn lao vào nhau, và đẩy nhau cùng xuống hồ, bị chìm nhanh, trong đó Khanh bị văng xa hơn.

 

Kim và Thanh vừa bơi một tý, quay lại không thấy cái đầu nào cả, sửng sốt cuống cuồng hò nhau quay lại vớt các bạn. Kim tới trước, đầu tiên là nhìn thấy một cái đầu gậy cứ quay tròn, Kim túm đầu gậy lôi lên thì hoá ra là bạn Nguyệt, Nguyệt rớt xuống bị chìm vì bùn dính chặt, mò được cái cành cây gẫy suy nghĩ quơ lên cho ban thấy mình, Nguyệt kéo lên nhợt nhạt vì uống nước quá nhiều, nhưng may là vẫn thở được.

 

Vân chạy tới, Kim bảo Vân giữ tay mình, Kim vừa lội sâu xuống thêm 1 bước, giơ tay ra quờ thi vớ ngay được cánh tay của bạn Hoa. Hoa quơ được tay bạn Kim thì lập tức tóm chặt, rùi "nhanh chóng" hai chân quặp ngang lưng, trèo lên người bạn, hay tay ôm chặt lấy cổ, tư thế đó thì có làm Kim hết xoay xở. Vậy là thêm một bạn nữa cũng chìm luôn. Nhưng vẫn còn một tay bám vào tay Thanh, nên Thanh kéo Kim và Hoa lên.

 

Trong khoảnh khắc chìm cả mấy cái đầu ý, Kim còn nghe tiếng bạn Thanh cười khanh khách như điên dại. Sau hỏi tại sao lúc đó lại cười, bạn ý bảo chả biết tại sao, tao nhìn ra chả còn đứa nào, mấy cái đầu chìm nghỉm hết, vậy là đứng cười rùi mới nhớ ra phải kéo tay Kim lên, lại buồn cười vì kéo tay Kim, mà lại thấy đầu Hoa nổi lên chứ. Thế là được hai bạn lên bờ.

 

Đến Khanh mới là lâu ý. Mặt nước phẳng lặng, không biết Khanh chìm ở đâu nữa. Mấy bạn mếu máo khóc gọi Khanh ơi, Khanh đâu rồi. Có bạn khi đó cũng kêu cứu đấy, nhưng bé quá, và xa quá, không ai nghe thấy. Kim còn nhớ là còn ngước lên trời, nhìn thấy một cái máy bay bay qua, còn vẫy tay rối rít CỨU VỚI, CỨU VỚI, ôi mà xa quá, anh phi công có mà nghe thấy.

 

Lần này Thanh quơ cái gậy, còn Kim đứng trên nắm tay Thanh, cho Thanh lội ra thêm 1 bước nữa, bạn ý cao nhất lớp mà, vừa giơ gậy ra bạn Thanh đã bảo Kim kéo lên đi, túm được rùi. Ui, tạ ơn Trời Phật, may quá.

 

Lôi được Khanh lên rùi, thấy hai khoé miệng đã rỉ máu, mặt tím đen, nhưng vẫn may là còn thở. Sau nghe Khanh kể, khi bị chìm dưới nước, tớ cố gắng không thở, lạy chúa ngày đó do tập chạy thể thao ở trường nên nhớ lời các thầy dặn nên nín thở được rất lâu, vẫn còn nghĩ đượcc là công toi bố mẹ nuôi mình đến năm thứ ba rùi mà lại bị thế này…, cho đến lúc không chịu được nữa, vùng tay ra thì tóm đượcc luôn đầu gậy của Thanh, vậy là được cứu. Các bạn đã cậy miệng ha hơi thổi ngạt, Khanh tỉnh dậy được.

 

Sau khi kéo đượcc cả ba bạn lên bờ, nhin lại thật tan hoang chiến trường. Ba bạn nằm la liệt. Nguyệt tái nhợt, thở ắc ắc như gà bị hóc ấy, vì Nguyệt uống nhiều nươc mà mọi ngươì không dốc nước. Loan tím tái, mỗi Hoa trèo đc lên người bạn nên trông khả rĩ nhất. Nghĩ lại hồi đó ngu thật, bạn Nguyệt uống no nước, vậy mà cứ cho nằm, kê cao đầu rồi vuốt lấy vuốt để ngực cho bạn ý. Mãi lâu sau các bạn tỉnh hơn, bắt đầu dìu các bạn đi đi lại lại.

 

Xấu hổ quá, nếu các bạn nam nghe thấy chay đến cứu thì, thôi cũng là may là tự cứu.

 

Nghĩ lại buồn cười, vì khi đó đó xiêm y đâu có, đi tắm mà chẳng ai có áo bơi, nên mấy chị ra chỗ khuất vắng người để tắm, nên khi gặp nạn chẳng ai biết mà cứu mình.

 

Cuối cùng mới sực nhớ ra sự thiếu vắng bất thường của một bạn nữ. Vậy là từ đó mới biết bí mật của đôi Nội và anh Đam này. Hóa ra họ ở rât gần bọn chết đuối, nhưng….đang mảiyêu nên không nghe, hoặc có nghe tiếng bọn tớ kêu cứu mà nhất định không ra cứu thì phải.

 

Chiều đó liên hoan, ai cũng vui vẻ mà riêng nhóm đi Hồ Đại Lải thì im như thóc, không ăn một miếng nào, ngồi một lúc mấy bạn nữ cáo mệt rúc vào lán. Đây là kỷ niệm khó quên nhất của lớp. Truyện này có thật 100% của lớp tôi cách đây 36 năm, tên các bạn nữ đã được đổi, bây giờ mới dám kể sự dại khờ tuổi sinh viên, khi đó không ai dám hé răng vì sợ bi kỷ luật đuổi học.

 

(Hằng- Nguyệt, Plan – Hoa, Thanh Vân – Thanh, Tôn Lan – Kim, Bui Loan – Khanh)

 


 

THẦY NGUYỄN DƯỠNG – chủ nhiệm lớp Toán K17 năm 79-80

(Phan Chi – TKT 17)

 

Thầy Dưỡng chủ nhiệm dạy Toán 17 hai môn:"Lý thuyết phục vụ đám đông” và "Lý thuyết xếp hàng” . Nếu mình nhớ không nhầm thì thầy đi du học ở Tiệp Khắc về, ở nhà I9 trong trường, có hai cậu con trai kém tuổi khoá 17 khoảng 1 con giáp (12 năm) tên là Trí và Dũng. Thầy đã mất năm 2003.

 

Riêng mình có một kỷ nhiệm đáng nhớ với thầy. Năm 1979, thầy Dưỡng cùng thầy Dong (Toán 15) dẫn đoàn mình đi thực tập tốt nghiệp ở Công ty Xe khách Thống nhất HN. Sau 5 tháng bám càng xe buýt, ăn trực nằm chờ ở bến xe, hì hục đếm hành khách, ghi chép, chạy hết mấy chục giờ máy tính (Minsk 32 – do Nguyễn Hữu Toản lập chương trình) của trường, cả nhóm "long trọng” báo cáo kết quả thực tập tại phòng kế hoạch Công ty với sự hiện diện của 2 thầy.

 

Nghe mình trình bày xong, ông Từ phụ trách phòng Kế hoạch Công ty sổ toẹt cho một câu: "Tưởng các anh, các chị làm vương, làm tướng gì chứ mấy kết luận thế này, bọn tôi biết từ lâu rồi”. Tuối ngựa non, háu đá, mình vặc lại ông ta ngay giữa hội trường: "Theo lý thuyết xác suất thế này, theo quy hoạch tuyến tính thế kia…bla.. bla.. bla…”. Ông ấy cũng nổi đóa lên. Kết quả mặc dù thầy Dưỡng, thầy Dong cố xoa diụ, ông ta nhất định không chịu chứng nhận kết quả thực tập của nhóm.

 

Sau 1 tuần, cuối cùng , mình cũng đành phải lạy lục đến tận nhà riêng của ông ta xin lỗi, đại loại "hối hận vô biên, đau khổ tột cùng, xin mở lòng từ bi, cứu một đời người…” ông ta mới chịu xác nhận cho.
 

Thì ra, đây mới đúng là "thu hoạch” lớn nhất của đợt thực tập tốt nghiệp.